“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe”
Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người và xã hội loài người, con người có thể biểu đạt suy nghĩ, quan điểm thông qua ngôn ngữ để truyền đến các thành viên trong xã hội, giúp họ thấu hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, ngôn ngữ cũng phản ánh phẩm chất và tính cách của mỗi người. Hiện tượng nói tục chửi thề đang dần “len lỏi” vào học đường, làm mất đi nét đẹp văn hóa của ngôn ngữ, mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
1. Hiện tượng nói tục chửi thề là gì?
Nói tục chửi thề là dùng những lời lẽ thô tục, thiếu tế nhị, thiếu văn minh trong giao tiếp. Những ngôn từ này đôi khi thể hiện sự cảm thán hoặc đả kích một người nào đó, nhưng dù là thói quen vô tình hay cố ý thì đều thể hiện sự thiếu chuẩn mực về tác phong của một người.
Hiện nay, do nhiều ảnh hưởng của mạng xã hội và phim ảnh khiến hiện tượng này diễn ra khá phổ biến trong môi trường học đường hiện nay; trở thành thói hư tật xấu của một bộ phận học sinh. Nói tục chửi thề đang có xu hướng ảnh hưởng tràn lan trong ngôn ngữ giao tiếp của học sinh, nếu nhà trường, gia đình và xã hội không có biện pháp kịp thời để chấn chỉnh, định hướng khắc phục.
2. Nguyên nhân dẫn đến thói quen sử dụng ngôn từ kém văn minh
Để tìm ra biện pháp, trước hết phải tìm nguyên nhân nào ảnh hưởng đến hành vi và ngôn từ của các em. Đa phần, việc sử dụng điện thoại smartphone và tiếp xúc với mạng xã hội, game online, phim ảnh,… khiến các em bắt chước học theo. Bên cạnh đó, khi học sinh chơi chung với nhóm bạn xấu và thường xuyên văng tục thì các em sẽ dần có tính cách giống nhau.
Tình trạng học sinh văng tục, chửi thề xuất hiện ngày càng nhiều và khó kiểm soát ngay trong trường học. Mặc dù Nhà trường đã có quy tắc ứng xử cũng như nội quy trong trường học nhưng để xử phạt tình trạng này rất khó vì không thể theo dõi học sinh để bắt quả tang mà điều này cần phải phụ thuộc vào ý thức tự giác của mỗi em.
3. Làm cách nào để khống chế học sinh văng tục?
Việc khắc phục thói quen nói tục, chửi thề của học sinh đòi hỏi một thời gian dài; là sự kết hợp giữa ý thức tự giác của học sinh và sự giáo dục của Nhà trường – Gia đình.
Khi nghe các em nói tục, chúng ta cần phải vạch rõ ra những lời nói như vậy toàn là những lời nói không đẹp, không nên dùng những ngôn từ không đẹp như thế. Thầy cô giáo giáo dục các em rằng chỉ nên dùng lời hay ý đẹp để giao tiếp, điều này thể hiện phẩm chất và tính cách của các em.
Các bậc cha mẹ nên quan tâm và chú ý tới các con của mình để kịp thời chấn chỉnh những thói quen không tốt. Môi trường trong gia đình giống như một xã hội thu nhỏ, con cái sẽ học theo tấm gương của cha mẹ, vậy nên, gia đình phải là nơi hạn chế và định hướng, chỉ ra cho trẻ những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống; điều gì nên làm và điều gì không nên làm.
Đối với Nhà trường là nơi giáo dục kiến thức và rèn luyện đạo đức học sinh nên có những nội quy nghiêm ngặt để khống chế thói quen xấu của mỗi em; thường xuyên tuyên truyền những chủ đề mang tính giáo dục đạo đức cho học sinh, thông qua các buổi sinh hoạt, lớp kỹ năng, hoạt động ngoại khóa và nội dung truyền thông trên nền tảng mạng xã hội.
Nếu phát hiện có học sinh nói tục, giáo viên cần đưa ra hình thức kỷ luật tích cực để các em nhận thức rằng đây là hành vi sai trái. Tương ứng với những hành vi phạm lỗi sẽ có những hình thức xử lý cụ thể.
Kỷ luật tích cực không đồng nghĩa nghĩa dung túng, bỏ qua sai lầm của học sinh cũng lơ là trong việc xử lý học sinh vi phạm. Điều quan trọng là xây dựng và đổi mới phương pháp giáo dục để học sinh không phải vì sợ mà không tái phạm mà là nhận ra mình sai để sửa đổi kịp thời.
Quý Phụ huynh và học sinh theo dõi Fanpage và Website của nhà trường để biết thêm các thông tin tuyển sinh mới nhất.
Mọi thông tin cần được giải đáp vui lòng liên hệ Hotline: 0944 166 677 – 0914 678 433

Trả lời