Đối với học sinh trung học phổ thông, việc sử dụng xe máy điện, xe gắn máy diễn ra ở mức độ khá cao do phụ huynh giao xe cho con để chủ động giờ giấc đi học. Trên thực tế, các em học sinh vẫn chưa được phép tham gia giao thông bằng xe moto, xe gắn máy trên 50cm³. Chính vì thế, Nhà trường cần phối hợp với Gia đình để nâng cao ý thức học sinh về an toàn giao thông.
Vào thời điểm đầu giờ học, hoặc lúc tan trường, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy hình ảnh các em học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu; tụ tập dưới lòng đường, chạy xe dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, trêu ghẹo nhau trong quá trình tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi theo quy định. Song song đó, các em thường sử dụng phương tiện để tụ tập bạn bè đi chơi sau giờ học khiến phụ huynh không thể kiểm soát, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng xảy ra do các em vẫn chưa trang bị đủ kiến thức lái xe an toàn.
Đối với lứa tuổi học sinh bậc trung học phổ thông từ 16 đến 18 tuổi, các em không được phép sử dụng phương tiện có phân khối trên 50cm³. Theo Điều 60 của Luật Giao thông đường bộ quy định độ tuổi lái xe trong khoảng từ 16-18 tuổi như sau:
– Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm³;
– Người đủ 18 tuổi trở lên được lái mô tô hai bánh, mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm³ trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; ô tô chở người đến chín chỗ ngồi.
Để giải quyết thực trạng trên, Nhà trường cần phối hợp với lực lượng chức năng để tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở các khu vực cổng trường như:
- Nhà trường bố trí nhân viên sắp xếp và quản lý điểm dừng, đỗ phương tiện cho các bậc phụ huynh khi chờ đón con em mình; khu vực để xe gắn máy đúng quy định để đảm bảo tình hình trật tự giao thông trước, trong và sau giờ học.
- Phổ biến thông tin đến học sinh không dừng xe, tụ tập thành nhóm ở lòng đường khu vực cổng trường vào đầu giờ đến trường và khi tan học gây cản trở giao thông. Không dàn hàng 3, hàng 4 khi điều khiển xe đạp, xe đạp điện và máy điện đường, phần đường quy định; không sử dụng tai nghe, điện thoại di động các thiết bị nghe nhìn khi đang điều khiển xe.
- Bắt buộc đội mũ bảo hiểm, chấp hành nghiêm hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và biển chỉ dẫn trên đường cũng như không chạy quá tốc độ quy định; không lôi kéo, đùa giỡn, hò hét khi đang tham gia lưu thông.
- Nhà trường tăng cường phối hợp với ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương để có các giải pháp tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho học sinh; đồng thời có hình thức xử lý nghiêm đối với học sinh vi phạm pháp luật về ATGT.
- Thường xuyên tổ chức các giờ học ngoại khóa, buổi trò chuyện chuyên đề để tuyên truyền, giáo dục và định hướng cho học sinh nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông.
- Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cần thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở và quan tâm con em khi tham gia giao thông. Cha mẹ có thể đưa rước con em đến trường hoặc cho học sinh chuyển sang sử dụng xe buýt, xe đạp, xe đạp điện để hạn chế vi phạm an toàn giao thông. Tuyệt đối không giao mô tô, xe máy phân khối lớn cho các em khi chưa đủ tuổi.
Vì bản thân chúng ta đều rất quý giá nên quá trình tham gia giao thông phải thực sự an toàn, các em cần nâng cao ý thức, tự giác chấp hành tốt pháp luật về ATGT, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Trả lời